day

,

00

/

month

/

0000

Tiếng Việt

English

Người gieo Xoan trên đất Phú Nham

Sau khi Hát Xoan Phú Thọ được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại, thực hiện nhiệm vụ tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị di sản hát Xoan, làm cho hát Xoan mãi mãi trường tồn, huyện Phù Ninh đã thành lập được 5 CLB Hát Xoan, trong đó có CLB Hát Xoan xã Phú Nham. Người có công lớn trong việc đưa Xoan vào cuộc sống cộng đồng dân cư và truyền dạy hát Xoan cho thế hệ trẻ nhằm duy trì loại hình nghệ thuật truyền thống trên đất Phú Nham là bà Phùng Thị Dung khu 6 xã Phú Nham bà được mọi người biết đến với vai trò chủ nhiệm CLB hát Xoan xã Phú Nham.

Truyền dạy Hát Xoan cho thế hệ trẻ

Được tham gia lớp tập huấn tại huyện do Sở VHTT&DL tổ chức, bà Phùng Thị Dung đã về truyền dạy cho bà con nhân dân địa phương và khích lệ bà con, hàng xóm cùng tham gia tập luyện. Để thành lập được CLB hát Xoan bà Dung đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà” động viên, khích lệ những người yêu thích hát Xoan cùng đến nhà văn hóa khu 6 để tập luyện. Bước đầu bà đã vận động được 25 thành viên yêu thích nghệ thuật hát Xoan cùng tham gia tập luyện nhưng do một số người chưa tâm huyết nên không tham gia. Ý định ra mắt CLB Xoan trên đất Phú Nham của bà vì thế mà không thành.

Là người có nhiều kinh nghiệm hoạt động văn nghệ, đoàn thể, bà Dung đã tự bỏ kinh phí hơn 10 triệu đồng mời các anh, chị ở đoàn Chèo tỉnh, CLB Xoan thị trấn Hùng Sơn huyện Lâm Thao, CLB Xoan xã Phú Lộc tham gia luyện tập và giảng dạy cho các bài như: Bỏ bộ, Mó cá, Mời rượu, Xin huê - Đố chữ, Trồng nhiều chuối ngọt chè thơm... cho các thành viên trong CLB. Để buổi ra mắt thành công bà Dung tiếp tục chi 2 triệu đồng để thuê đạo cụ, quần áo cho các thành viên biểu diễn trong buổi ra mắt CLB. Đến tháng 10 năm 2012 CLB hát Xoan được UBND xã Phú Nham ký quyết định thành lập. Những ngày đầu, CLB của bà Dung gặp rất nhiều khó khăn về kinh phí hoạt động hay các thành viên chưa biết hát Xoan, nhưng với lòng yêu Xoan bà Dung vẫn duy trì mỗi tuần CLB sinh hoạt luyện tập 3 buổi, mỗi buổi từ 3 đến 4 tiếng, các thành viên với đủ mọi lứa tuổi, thành phần khác nhau, người già nhất cũng hơn 70 tuổi, người trẻ nhất 13 tuổi. Đến nay CLB đã có gần 40 thành viên. Đặc biệt các thành viên trong CLB dù bận rộn với công việc gia đình, đồng áng nhưng vẫn nhiệt tình tập luyện hát Xoan. Có khi cả tuần đi tập hát để chuẩn bị cho buổi diễn phục vụ các ngày lễ của xã, huyện. Đều đặn mỗi tối nhà văn hóa khu lại rộn ràng tiếng trống, tiếng nhạc. Không chỉ các thành viên tham gia mà bà con trong khu cũng đến xem. Rồi Xoan cứ thế đi vào cuộc sống của người dân nơi đây từ lúc nào không hay.

Tuy mới thành lập chưa đầy 3 năm, nhưng với sự nỗ lực các thành viên, CLB Xoan Phú Nham đã có những thành tích đáng kể như: Tham gia biểu diễn một số trò diễn xướng dân gian trong chương trình lễ hội đường phố tạo ấn tượng tốt đẹp và tình cảm sâu sắc cho nhân dân thành phố Việt trì và du khách thập phương; đạt giải 3 liên hoan hát Xoan tỉnh lần thứ 3; tham gia chương trình trang văn nghệ "Sức sống làng Xoan" của Đài phát thanh truyền hình tỉnh. Ngoài ra CLB tham gia các chương trình giao lưu, lễ kỷ niệm phục vụ các nhiệm vụ chính trị của địa phương...

Không chỉ tạo dựng hát Xoan ở khu dân cư, bà Dung và các thành viên trong CLB đã phối hợp với BGH các trường tiểu học, THCS của xã truyền dạy miễn phí cho học sinh vào các buổi sinh hoạt ngoại khóa, giờ âm nhạc của trường. Em Nguyễn Nhật Linh trường tiểu học Phú Nham - Huyện Phù Ninh hồ hởi: "Em rất thích học hát Xoan. Mới đầu học cũng khó, sau học mãi thành yêu thích". Việc bà Dung đưa hát Xoan vào trường học không chỉ đơn thuần là dạy hát dân ca mà còn giúp các em học sinh nhận ra những giá trị lớn lao từ các làn điệu dân ca của quê hương, từ đó giúp biết trân trọng yêu quý hơn cả là góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của hát Xoan, định hướng thị hiếu thưởng thức âm nhạc của các em. Năm 2013-2014 huyện Phù Ninh tiếp tục chỉ đạo công tác giáo dục huyện Phù Ninh thực hiện đưa Xoan vào các trường học trên địa bàn huyện. Qua đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống quý báu của dân tộc.

Bà Dung chia sẻ: "Điều khó khăn nhất của chúng tôi hiện nay là chưa học được hết các quả cách của hát Xoan do chưa có kinh phí mời nghệ nhân về truyền dạy. Chúng tôi mong muốn được trở thành CLB hát Xoan cấp tỉnh để được tham gia các buổi tập huấn hát Xoan do Sở VHTT&DL tổ chức và tham gia các kỳ liên hoan, hội diễn do tỉnh và huyện tổ chức".

Trên đất Phú Nham hôm nay, để hát Xoan đã đến với mọi người, mọi nhà là nhờ chính những người yêu Xoan, mê Xoan như bà Phùng Thị Dung đã âm thầm thực hiện, góp phần vào xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.